Destinator là mẫu xe ba hàng ghế với kích thước lớn hơn Xforce, được Mitsubishi phân phối tại Việt Nam theo hình thức nhập khẩu từ Indonesia.

Theo nguồn tin từ VnExpress, Mitsubishi Việt Nam dự kiến sẽ chính thức giới thiệu mẫu CUV 7 chỗ hoàn toàn mới này vào tháng 12 tới. Đây là phiên bản thương mại phát triển từ mẫu concept DST, từng được hãng trình làng tại Hà Nội hồi đầu tháng 6 và sau đó tiếp tục giới thiệu ở TP HCM. Hiện nay, nhiều đại lý đã bắt đầu nhận đặt cọc từ khách hàng.
Tên gọi chính thức của mẫu concept này là Destinator. Mitsubishi Nhật Bản dự kiến sẽ ra mắt toàn cầu Destinator vào ngày 17/7 tới, trong khuôn khổ Triển lãm Ôtô Quốc tế Indonesia (GIIAS) 2025. Tương tự như Xpander và Xforce, Destinator sẽ được sản xuất tại nhà máy ở Indonesia, phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại thì thông tin chi tiết về kích thước và động cơ của Destinator vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, trên phiên bản concept DST, Mitsubishi đã định vị mẫu xe này thuộc phân khúc C-D, sở hữu cấu hình 7 chỗ “thực thụ”, khác biệt hoàn toàn so với kiểu 5+2 thường thấy. Điều này đồng nghĩa khi ra mắt bản thương mại, Destinator sẽ trở thành lựa chọn thay thế cho Outlander, thậm chí có thể thay thế luôn Pajero Sport tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, các mẫu xe phân khúc C hiện nay như Honda CR-V, Ford Territory, Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson chủ yếu chỉ có 5 chỗ hoặc 5+2, với hàng ghế thứ ba chỉ phù hợp cho trẻ em hoặc các chuyến đi ngắn. Destinator vì vậy sẽ sở hữu ưu thế vượt trội về không gian với 7 chỗ rộng rãi như xe phân khúc D, nhưng giá bán vẫn dễ tiếp cận ở tầm C.

Một đại diện của Mitsubishi Việt Nam chia sẻ rằng, tương tự mẫu Xforce, phiên bản thương mại của Destinator sẽ giữ gần như trọn vẹn thiết kế từ bản concept DST.
Mitsubishi DST được phát triển dựa trên ngôn ngữ thiết kế “Gravitas & Dynamism” (sự vững chãi và năng động). Xe nổi bật với các cột sơn đen, bề mặt thiết kế độc đáo ở cột sau, khoảng sáng gầm cao cùng các hốc bánh cơ bắp kết hợp lốp lớn. Bên cạnh đó, các dải nẹp sườn và ốp gầm với các đường gờ nổi càng tăng thêm vẻ mạnh mẽ và chắc chắn cho tổng thể.

Khái niệm Dynamic Shield quen thuộc tiếp tục được áp dụng, thể hiện qua lưới tản nhiệt ba chiều dạng tổ ong, liền mạch với cản trước, mang đến diện mạo liền khối và hiện đại. Tương tự như Xforce, cụm đèn LED ban ngày phía trước và đèn hậu đều được tạo hình chữ T, nhấn mạnh phong cách nhận diện đặc trưng.
Khoang cabin của DST được thiết kế rộng rãi, sử dụng vật liệu mềm mại, mang đến cảm giác cao cấp. Không gian nội thất còn trở nên liền mạch và thoáng đãng nhờ cửa sổ trời toàn cảnh. Cụm đồng hồ kỹ thuật số LCD toàn phần kết nối liền mạch với màn hình giải trí trung tâm, tạo nên một khu vực điều khiển hiện đại và tinh tế.
Mitsubishi cho biết DST sử dụng hệ dẫn động cầu trước, nhưng vẫn đảm bảo khả năng vận hành ổn định trong nhiều điều kiện thời tiết và địa hình khác nhau. Xe được trang bị 5 chế độ lái gồm Wet, Tarmac, Normal, Gravel và Mud, giúp người lái tự tin chinh phục mọi cung đường.
Nguồn: Tổng hợp
Tham khảo thêm các bài viết khác tại đây:
ADAS là gì? Tính năng của công nghệ ADAS trên xe ô tô
Canbus là gì? Có cần canbus khi lên màn hình Android?